#513: Nghìn năm văn hóa nhân loại: Tu luyện để thành nhân đâu phải chỉ để thành tiên

Published: Feb. 10, 2022, 3:33 p.m.

Tu luyện là gì?

Không nhất thiết phải “bế quan luyện công”, “lên núi độc tu” hay “quay mặt vào vách”…, tu luyện đơn giản là tu dưỡng và rèn luyện. Trong đó, tu (修) có nghĩa là chỉnh sửa, học tập, tuân theo, cắt tỉa… Muốn hoàn thiện nhân cách, đức hạnh, phẩm giá của bản thân thì phải liên tục tống khứ đi những thói hư tật xấu, quy chính tư duy hành động theo lễ nghĩa đạo đức, học hỏi và đề cao tâm tính không ngừng.

Còn luyện (煉) nghĩa là rèn luyện, rèn đúc, gọt giũa. Tu tâm cũng cần đi cùng với ước thúc nề nếp sinh hoạt, lễ nghi, tác phong, thần thái; phải rèn luyện trong đời sống từ những điều nhỏ nhặt nhất. Luyện cũng lại có nghĩa là tôi luyện, qua chịu đựng mà trở nên tốt đẹp hơn.

Như vậy, “tu luyện” ấy chính là việc con người luôn biết nhìn lại mình, sửa đổi mình và nắn chỉnh con đường mình đi cho phù hợp với chính đạo. Vì lẽ đó, muốn thành người, làm người tử tế thì phải luôn tu luyện.

Bởi vậy người xưa nói “Người không tu mình, Trời tru Đất diệt”. Nguyên văn tiếng Hán là “Nhân bất vi kỷ, Thiên tru Địa diệt”; chữ “vi” (為) ở đây có hai âm đọc và cũng có hai nghĩa khác nhau. Một nghĩa là “học tập” (hay là tu tập), còn một nghĩa khác là “do, vì”. Hàm nghĩa chân chính của câu này là: “Một người mà không tu dưỡng bản thân thì ắt sẽ không thể có được chỗ đứng trong Trời Đất”; chứ không phải “Người không vì lợi ích của bản thân thì Trời tru Đất diệt” như nhiều người vẫn thường nói.

Tiêu chuẩn tu luyện

Muốn đi đúng đường, cần có lề đường dẫn lối. Muốn theo chính đạo cũng cần có Pháp lý chỉ đạo. Vậy tu luyện ấy phải theo tiêu chuẩn nào đây?

Người xưa giảng “Thiên Nhân hợp nhất”. Con người cũng là một thành phần nhỏ bé trong tự nhiên. Giữa Đất Trời rộng lớn, muốn sinh tồn và phát triển được thì con người phải hòa hợp với phần còn lại của vũ trụ, nhìn đạo của Đất Trời mà đồng hóa theo.

Đó là sự vô tư cống hiến không chút vị kỷ của muôn loài, như mặt trời chiếu sáng nuôi dưỡng các sinh mệnh, như chim mang hạt giống cây cối đi gieo trồng, như hoa dâng hương thơm ngát mà không cầu báo đáp. Đó cũng là sự từ bi chở che, nuôi dưỡng vạn vật như Đất, khiêm nhường cung kính luôn ở thế thấp và sẵn sàng đón nhận mọi vật như nước…

Những khái niệm Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín, Nghiệp – Đức, Giới luật ra đời để ước thúc con người thuận theo đạo vô tư, từ bi, chân thành, có tôn ti trật tự của Đất Trời. Quan sát thiên nhiên, con người cũng nhận ra cái lý “vật cực tất phản”, thế nước cao thì tất ập xuống, nắng lâu ngày tất có mưa rào…