#502: Vân thủy thiền tâm: Khúc tình ca trong bản nhạc Thiền, nghe để thấy Đạo

Published: Jan. 22, 2022, 3:03 p.m.

Có một bản nhạc rất đặc biệt, nghe biết bao nhiêu lần vẫn thấy vẹn nguyên như thuở ban đầu. Bản nhạc ấy, nếu chỉ nghe tiếng đàn sẽ thấy mềm mại như nước chảy, lãng đãng như mây trôi, khiến ta bất giác thả lòng theo mây nước, tâm không nhuốm bụi trần, tự tại mà phiêu diêu. Còn nếu chỉ đọc ca từ, lại thấy vấn vương một mối tình sâu kín, chỉ có thể giãi bày cùng gió trăng.

Bản nhạc ấy có một cái tên mà mới chỉ nghe qua đã thấy cảm giác rất thanh tịnh: “Vân thủy thiền tâm”, mây nước lòng thiền. Một điều gì đó rất trang nhã, rất tinh khiết, rất thuần tịnh: Có nét tự tại của nước, lại có nét phiêu du của mây, hướng lòng ta vào thiên nhiên, thân và tâm hòa quyện, cảm giác thật tĩnh tại an nhiên.

Ấy là thiền.

Vậy mà, trên nền nhạc thiền lại là khúc tình ca, và trong tình ca ta lại thấy một tấm lòng trinh nguyên, thanh bạch.

Tôi tự hỏi: Vì sao hai thứ cảm xúc rất khác biệt ấy lại có thể hòa hợp trong cùng một bản đàn?

Một bên nhẹ như mây trên trời, một bên nặng như nước dưới khe. Một bên phiêu du ngày tháng, một bên lại sâu nghĩa nặng tình. Một bên là cảnh giới siêu phàm thoát tục, siêu xuất chín tầng không, một bên là cảnh giới của kẻ phàm nhân, vương vấn nơi hồng trần cuồn cuộn. Một bên là thiền, rất tịnh, rất thanh, một bên là tình, nồng nàn, thắm đượm. Cứ ngỡ tình yêu nam nữ chỉ là thứ trần tục, nhưng xem ra trong bản nhạc này, cái tình ấy đã thăng hoa lên một cảnh giới khác, tạm gọi là ‘cái tình thuần khiết’.

Chuyện kể rằng, vào thời Bắc Tống, ở nơi miền sơn cước xa xôi có một thiếu nữ rất xinh đẹp và tài hoa. Một ngày kia, có vị đạo sĩ phương xa vân du qua đó, chàng ghé chân vào ngôi nhà nhỏ của người thiếu nữ xin được tá túc vài ngày. Vị đạo sĩ và người thiếu nữ dường như có tâm linh giao cảm, nên vừa gặp đã thấy thân quen. Ngày ngày họ trau dồi cầm nghệ, từ tri âm mà trở thành tri kỷ. Lâu dần, trong vùng có tiếng xầm xì to nhỏ, lời lời gièm pha, người người đàm tiếu, khiến chàng không còn cách nào khác đành phải từ biệt để tiếp tục lên đường vân du. Nàng đưa tiễn hơn mười dặm dương liễu, còn chàng thì gảy một khúc nhạc cáo từ.

Khúc nhạc ấy chính là “Vân thủy thiền tâm”...