#483: Trí tuệ cổ nhân: Nhẫn được cái an nhàn để có thể "Nhàn" thực sự

Published: Dec. 31, 2021, 12:53 p.m.

Nói về tâm Đại Nhẫn, người đời vẫn lưu truyền câu nói của Khổng Tử: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu” (Không nhịn được việc nhỏ, sẽ làm hư đại sự). Vậy nhưng, nội hàm của chữ Nhẫn đâu phải chỉ là sự nhẫn nhịn, nhẫn nhục. Bất cứ khi nào bạn thấy khó chịu, đau khổ khi phải buông bỏ một điều gì đó, bởi nó không tốt cho người khác hoặc cho bản thân, thì đều đòi hỏi phải có cái đức Nhẫn.

Có một loại nhẫn gọi là nhẫn trước sự an nhàn

Chữ “Nhẫn” (忍) gồm có chữ “Tâm” (心) ở dưới và chữ “Đao” (刀) ở trên. Chữ “Đao” có hàm ý phải tôi luyện, mài dũa mà thành.

Chữ “Tâm” nằm ở dưới chính là nền tảng của cả chữ “Nhẫn”. Đối với người bình thường, đao cứa vào tim là rất đau đớn và cực khổ, còn đối với người có tâm đại nhẫn thì ngược lại, tâm này vẫn bất động dù đao kia có sắc đến đâu. Nếu tâm dao động thì không “Nhẫn” được, nếu tâm tĩnh thì càng nhẫn, càng bất động tâm càng thể hiện ra sự Đại Nhẫn.

Thế nên bất kỳ việc gì có thể khiến bạn lao tâm khổ tứ, cảm thấy đau khổ, mãi chẳng thể dứt bỏ, thì đó chính là lúc cần tới đức Nhẫn của thánh nhân. Với an nhàn, nghe qua tưởng chẳng liên quan, nhưng thật sự lại cũng cần tới Nhẫn.

Nhẫn chẳng cứ phải là khi bị người khác làm tổn hại, kích động đến tinh thần, mà chính là cả khi bạn phải chiến thắng chính mình, buông bỏ những nhân tâm không có lợi cho mình và người. Bởi có Nhẫn sẽ có tĩnh, tĩnh lại rồi thì sẽ nhìn thấu sự vô lý của nhân tâm, dục vọng. Tĩnh lại rồi cũng lại khiến thân không động ngay theo sự dẫn khởi của những ham muốn vô bổ.