#447: Chuyện ‘Vong báo oán’, luật Nhân Quả và lời dạy của Đức Phật

Published: Nov. 17, 2021, 1:57 p.m.

Trong Phật giáo có câu chuyện kể rằng, Tôn giả Mục Kiền Liên vì muốn cứu ngạ quỷ đã phải dựa vào uy đức rất nhiều cao tăng. Nhưng ngày nay có những người xưng là ‘thầy’ này, ‘cậu’ nọ, ‘cô’ kia, chẳng cần khổ nhọc tu hành sao lại có thể sai khiến được quỷ Thần?

Chuyện một ngôi chùa nọ truyền bá “Vong báo oán” và cúng vong, giải nghiệp kiếm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, thiết nghĩ đã có các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nơi thờ tự của cá nhân và tổ chức cũng đang tiến hành những việc như cầu hồn, gọi vong, dâng sao giải hạn, giải nghiệp tiêu tai, cầu phúc cầu bình an…

Vậy tại sao lại nở rộ những sự việc này? Việc ấy đúng sai thế nào, lý lẽ ra sao, có tác dụng như thế nào, có hại gì không…? Đó cũng là câu hỏi chung của nhiều người. Người viết mạn phép góp đôi lời về vấn đề này theo thiển nghĩ nông cạn của bản thân.

Vong là gì?

“Vong” là từ Hán Việt, chữ Hán viết “亡” nghĩa là ‘mất, chết’ như trong các từ diệt vong, vong linh. Trong cụm từ ‘vong báo oán’, chữ vong nghĩa là vong linh, vong hồn, tức là linh hồn người đã khuất.

Hiện nay khoa học dù chưa chứng minh được nhưng cũng không phủ nhận sự tồn tại của vong, vì có rất nhiều trường hợp cận tử đã nói về trải nghiệm khi linh hồn thoát xác.

Còn các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian thì đều tin là con người có tồn tại linh hồn, linh hồn bất diệt. Theo quan điểm Phật gia, sau khi nhục thân chết đi thì linh hồn sẽ tùy theo nghiệp lực mang theo mà sinh vào một trong sáu đạo luân hồi sau: Cõi Trời (deva), cõi A Tu La (asura), cõi người (manussa), cõi súc sinh (tiracchānayoni), cõi ngạ quỷ (petta), cõi địa ngục (niraya)...